Thủy Sản
Nỗi lo chất lượng giống cá tra

Cá tra là một mặt hàng chiến lược của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Tuy nhiên, chất lượng cá tra giống, yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến năng suất lại suy giảm nghiêm trọng. Trước đây, người nuôi cá tra chỉ cần 5-6 tháng là đã có cá đạt kích cỡ đúng tiêu chuẩn xuất khẩu (khoảng 1-1,2 kg/con). Còn bây giờ để đạt được kích cỡ cá trên, người nuôi phải bỏ ra tới 7-8 tháng trời.

1/ Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giống

a. Chất lượng đàn cá bố mẹ ngày càng giảm xuống
Chất lượng cá bố mẹ hiện nay được sử dụng tại các trại sản xuất giống suy giảm nghiêm trọng, cá bố mẹ thường có nguồn gốc không rõ ràng, đa số lựa chọn từ các ao nuôi thương phẩm nên giống nhanh chóng bị thoái hoá. Trước đây, cá giống được lấy chủ yếu từ môi trường tự nhiên, phải từ 2,5 đến 3 năm tuổi thì cá mới bắt đầu thành thục (sinh sản). Còn bây giờ, cá chỉ 5 – 6 tháng tuổi đã... thành thục rồi. Điều đáng nói là nhiều trại cá giống vẫn cho những con cá thành thục quá sớm này đẻ luôn. Vì thế, chất lượng cá giống lại càng khó đảm bảo. Một số ít cơ sở có chọn cá hậu bị từ tự nhiên nhưng chưa có phương pháp phối giống thích hợp.
Mặt khác, quy trình nuôi vỗ ở các cơ sở sản xuất giống không đảm bảo chất lượng. Thức ăn nuôi vỗ cho cá không được quan tâm, thậm chí ở nhiều cơ sở, cá bố mẹ thường bị bỏ đói hoặc chỉ cho ăn cầm chừng, tỷ lệ đực/cái nuôi vỗ thấp (1/4), làm ảnh hưởng tới tỷ lệ thành thục. Khi cá bột trên thị trường tăng giá, chủ các cơ sở giống cá tra đã không ngại đưa vào sử dụng một số "công nghệ" nguy hiểm nhằm làm tăng sản lượng cá giống bằng mọi giá. Trong đó, việc lạm dụng thuốc kích dục tố trở nên khá phổ biến. Với loại thuốc này, người ta có thể ép cá đẻ tới 5 – 6 lần/năm. Vì cá phải đẻ quá nhiều, năm này qua năm khác,… dẫn tới kích thước cá bột đang có xu hướng nhỏ dần. Điều này có thể làm ảnh hưởng lớn đến khả năng sử dụng thức ăn tự nhiên để tăng trưởng và sống sót của cá bột.
b. Khâu ương giống chưa đảm bảo đúng kỹ thuật
Mật độ ương quá cao (>800 cá bột/m2) nên thức ăn tự nhiên và hàm lượng oxi ban đầu cung cấp cho cá bột không đủ đồng thời tạo môi trường ao ương ngày càng xấu đi gây ảnh hưởng không tốt cho cá đặc biệt khi cá bắt đầu hình thành cơ quan hô hấp phụ, cá hao hụt nhiều sau 1 - 2 tuần tuổi. Việc sử dụng thức ăn của các loài cá có vảy hay thức ăn có hàm lượng đạm không phù hợp (đạm cao) cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ương cá giống thấp.
Ngoài ra, còn do bệnh bộc phát trong ao ương cá tra bột với các tác nhân như nấm, vi khuẩn dạng sợi, ký sinh trùng,… và việc sử dụng quá nhiều các loại thuốc, hóa chất trong phòng trị bệnh cho cá.
c. Công tác kiểm dịch giống gặp nhiều khó khăn
Hiện nay, một phần giống được cung cấp tới người nuôi thông qua những thương lái trung gian. Có lẽ do thiếu kỹ thuật hay muốn thu nhiều lợi nhuận mà họ sẵn sàng thu gom cá giống ở mọi nơi, chất lượng không giống nhau, nguy cơ dịch bệnh là khôn lường trong khi họ không hề biết về nguồn gốc, không kiểm soát về chất lượng để bán lại cho người nuôi cá. Điều đó cho thấy rằng quy trình vận chuyển giống hầu hết là quy trình hở nên không thể kiểm soát được chất lượng đàn cá giống.
2/ Một số giải pháp nâng cao chất lượng giống cá tra
Để nâng cao chất lượng đàn cá tra giống, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đàn cá tra bố mẹ hậu bị, các cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác như:
 - Quy hoạch vùng sản xuất cá tra giống tập trung, có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này nhằm đảm bảo cho các cơ sở hoạt động ổn định, lâu dài.
 - Tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, ương nuôi cá tra giống đảm bảo chất lượng.
 - Tăng cường công tác kiểm dịch cá bố mẹ, cá giống sản xuất nhằm đảm bảo kiểm soát tốt tất cả số lượng giống lưu thông trên địa bàn quản lý và thực hiện quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước.
- Tăng cường công tác thanh - kiểm tra chất lượng cá tra giống, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý giống.
La Ngọc Thạch



CÁC TIN KHÁC: